Suy thoái kinh tế - Ngành ô tô đối diện với nhiều thách thức

Ngày đăng: 23-09-2024

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế, ngành ô tô đang phải đối diện với nhiều thách thức đáng kể. Tác động tiêu cực từ sự suy giảm tổng cầu, sự thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, và những khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đã gây ra nhiều áp lực cho các doanh nghiệp trong ngành.

 

1. Suy thoái kinh tế - Doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn


Trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối diện với những thách thức lớn từ cả yếu tố nội tại và tác động bên ngoài. Mặc dù có nỗ lực phục hồi, tổng cầu tiêu dùng vẫn chậm và yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng và thiếu lao động có kỹ năng, dẫn đến tình trạng số doanh nghiệp rời bỏ thị trường cao gần bằng số doanh nghiệp gia nhập. 
Ngoài ra, sự suy giảm của nền kinh tế cũng được thể hiện qua việc tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và Chính phủ chỉ tăng 5,78%, và tổng mức bán lẻ hàng hóa cùng doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,8% của năm 2023. 

 

 

2. Tăng trưởng khiêm tốn của ngành ô tô trước bối cảnh kinh tế suy thoái 


Theo “Báo điện tử chính phủ”, nửa đầu năm 2024, mặc dù khu vực dịch vụ đã lấy lại được vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế với mức tăng 6,64%, nhưng một số ngành dịch vụ quan trọng như bán buôn, bán lẻ và sửa chữa ô tô lại chưa đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng. Sự tăng trưởng chậm của ngành dịch vụ ô tô phản ánh tình trạng khách hàng thắt chặt chi tiêu, tập trung cho các nhu cầu thiết yếu trước mắt. Điều này cho thấy dù nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng sự phục hồi này chưa lan tỏa mạnh mẽ đến các dịch vụ liên quan đến ô tô và các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ ô tô có thể vẫn sẽ gặp nhiều áp lực trong việc duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh trong bối cảnh kinh tế khó khăn này. 

Không chỉ dịch vụ, các doanh nghiệp kinh doanh ô tô cũng chịu tác động rõ rệt. Theo báo cáo từ Hiệp hội Các Nhà Sản Xuất Ô Tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 7/2024 chỉ tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2023. Xe du lịch tăng 1%, xe thương mại tăng 3%, trong khi các dòng xe chuyên dụng giảm 1%. Mặc dù sự tăng trưởng khiêm tốn này là tín hiệu tích cực, nhưng nó vẫn chưa đủ để bù đắp cho những tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế đối với thị trường ô tô.

 

 

3. Vậy đâu là hướng đi đúng đắn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế suy thoái?

 
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động, việc tìm kiếm những hướng đi đúng đắn là điều cần thiết để các doanh nghiệp ô tô có thể duy trì hoạt động và phát triển bền vững. Dưới đây là một số chiến lược mà các doanh nghiệp ô tô có thể cân nhắc trong thời kỳ suy thoái:

  • Tối ưu hóa chi phí và hiệu quả vận hành 

Trong thời kỳ suy thoái, tối ưu hóa chi phí và hiệu quả vận hành là một trong những biện pháp quan trọng nhất. Các doanh nghiệp cần rà soát lại toàn bộ quy trình sản xuất và kinh doanh để phát hiện ra những điểm có thể tối ưu để có thể làm giảm chi phí, tăng hiệu suất công việc mà không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Case study: 
Toyota đã thành công hơn nhiều đối thủ cạnh tranh trong việc vượt qua tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong những năm gần đây. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra đã gây ra những cơn đau đầu lớn cho các nhà sản xuất trên toàn thế giới. Không nơi nào cảm nhận được điều này rõ ràng hơn là trong ngành công nghiệp ô tô, nơi phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng chip bán dẫn và các thành phần khác. Tuy nhiên, Toyota, người khởi xướng các khái niệm về sản xuất tinh gọn, đã thành công hơn hầu hết các đối thủ cạnh tranh và vượt qua General Motors để trở thành công ty bán chạy nhất tại Bắc Mỹ vào năm 2021. 

 

  • Tăng cường chăm sóc, thấu hiểu khách hàng 

Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, việc hiểu khách hàng tiềm năng và duy trì mối quan hệ tốt với khách hàng hiện tại là rất quan trọng. Doanh nghiệp cần hiểu rất rõ nhu cầu, mong muốn của khách hàng, tăng cường chăm sóc khách hàng thông qua các chương trình phù hợp với họ như khuyến mãi, hỗ trợ tài chính, và các gói dịch vụ hậu mãi, … 

Ngoài ra, việc đổi mới và sáng tạo dựa trên nhu cầu khách hàng cũng là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp vượt qua thời kỳ suy thoái: cập nhật mô hình kinh doanh mới như dịch vụ chia sẻ xe hoặc thuê xe ngắn hạn, cung cấp các gói dịch vụ tài chính linh hoạt như vay mua xe với lãi suất thấp hoặc các gói bảo hiểm xe, … 

Case study: 
Uber, gã khổng lồ gọi xe, là một ví dụ về một công ty đã cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng. Ứng dụng của Uber cho phép khách hàng theo dõi vị trí của tài xế, cho phép người lái xe chọn tuyến đường và phương thức thanh toán ưa thích của họ. Ngoài ra, công ty gửi các chiến dịch email được cá nhân hóa cho khách hàng với các khoản giảm giá hoặc khuyến mại dựa trên lịch sử sử dụng trước đó của họ.

 

  • Tăng cường hợp tác, liên kết kinh doanh  

Trong thời kỳ suy thoái, việc hợp tác với các đối tác chiến lược có thể giúp doanh nghiệp chia sẻ rủi ro và tối ưu hóa nguồn lực. Các doanh nghiệp có thể hợp tác trong các lĩnh vực như sản xuất, phân phối, và nghiên cứu phát triển.
Ngoài ra, liên kết với các doanh nghiệp khác trong ngành hoặc liên kết với các ngành công nghiệp phụ trợ cũng giúp tạo ra sự cộng hưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
 
Case study: 
BMW và Toyota đang tăng cường hợp tác trong quá trình phát triển công nghệ pin nhiên liệu hydro. Xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro chỉ thải ra nước khi sử dụng, do đó, hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của tương lai. Tuy nhiên, công nghệ này vô cùng tốn kém để sản xuất, và hiện chỉ mang lại biên lợi nhuận nhỏ. Hơn nữa, đối với cơ sở hạ tầng, hydro phải được lưu trữ tại các trạm dịch vụ ở nhiệt độ xuống tới -253˚ C. Để giải quyết những khó khăn này, hai công ty đã hợp tác chặt chẽ, và dự kiến Toyota sẽ cung cấp các thành phần chính cho BMW, trong khi BMW sẽ sử dụng công nghệ của riêng mình để hoàn thiện sản phẩm.

 

 

Có thể thấy, suy thoái kinh tế đã và đang tạo ra những thách thức lớn đối với thị trường ô tô tại Việt Nam. Tuy nhiên, với những chiến lược hợp lý và sáng tạo, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ có thể tìm ra hướng đi phù hợp để duy trì và phát triển trong bối cảnh khó khăn. 

Bài viết tương tự