Cách mạng số: Xu hướng và tiềm năng đột phá ngành dịch vụ ô tô tại Việt Nam

Ngày đăng: 15-07-2024

Trong thời đại công nghệ số, các ngành công nghiệp trên toàn thế giới đang trải qua cuộc cách mạng chuyển đổi số đầy mạnh mẽ, và ngành ô tô, đặc biệt là dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa ô tô không nằm ngoài xu thế này. Với áp lực phải duy trì lợi thế cạnh tranh và đáp ứng những nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng, các doanh nghiệp trong ngành phải nhanh chóng nắm bắt và triển khai các giải pháp chuyển đổi số tiên tiến.

1. Tiềm năng phát triển của ngành dịch vụ ô tô ở Việt Nam
Việt Nam là một thị trường đang phát triển ở Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã ghi nhận mức thu nhập khả dụng tăng, tầng lớp trung lưu gia tăng, cùng với đó là sự phát triển của đô thị hóa và cơ sở hạ tầng. Đây là một trong những yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng đối với xe cộ, dẫn đến doanh số bán xe cao hơn và chi tiêu lớn hơn cho các sản phẩm và dịch vụ ô tô.

Cùng với các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sở hữu xe cộ, sự phát triển của thị trường dịch vụ ô tô Việt Nam cũng được hỗ trợ mạnh mẽ nhờ những thay đổi về quy định, đặc biệt là quy định nghiêm ngặt về bảo dưỡng xe và tiêu chuẩn khí thải. Việc gia tăng tuổi thọ trung bình của các phương tiện cũng có tác động lớn và thúc đẩy nhu cầu về phụ tùng, sửa chữa và bảo trì tăng lên. 

Số liệu thực tế cho thấy rằng, các năm gần đây dù doanh số bán xe qua các năm ở Việt Nam có nhiều biến động nhưng thị trường dịch vụ ô tô sau bán vẫn phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua mức độ tăng trưởng của dung lượng và khả năng tiêu thụ các sản phẩm linh, phụ kiện ô tô ở Việt Nam

 tổng quan ngành dịch vụ ô tô tại Việt Nam

Hình 1: Tổng quan ngành dịch vụ ô tô tại thị trường Việt Nam

2. Thách thức cho ngành dịch vụ ô tô trong thời đại mới

Sự thay đổi nhanh chóng đến từ chính người sử dụng ô tô

Trong vài năm trở lại đây, thị trường ô tô chứng kiến sự thay đổi khá rõ rệt trong yếu tố nhân khẩu học từ độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp đến cả thu nhập. Theo nghiên cứu gần nhất của ficar.vn vào tháng 05.2024 trên 500 khách hàng tại Hà Nội, sự thay đổi đó được cụ thể như sau: 

Đối tượng sử dụng ô tô ở Việt Nam ngày càng đa dạng

Hình 2: Đa dạng Đối tượng sử dụng ô tô ở Việt Nam 

Như vậy, sự đa dạng của nhóm đối tượng khách hàng: nhóm nam - nữ, nhóm khách hàng trẻ - khách hàng trung niên, các nhóm thu nhập, … cũng làm “NHU CẦU & VẤN ĐỀ KHÁCH HÀNG” trở nên đa dạng.

Theo nghiên cứu Ficar, một số tệp khách hàng mới có sự khác biệt như:

  • Khách hàng có sự hoài nghi, băn khoăn và lo ngại rõ rệt về độ tin cậy của các xưởng sửa chữa độc lập
  • Khách hàng nhạy cảm hơn về các phát sinh chi phí sửa chữa ô tô
  • Khách hàng gia tăng tìm kiếm thông tin tại các cộng đồng xe Online
  • Khách hàng gia tăng tìm kiếm và mua sắm qua các nền tảng số, đặc biệt trong cả ngành dịch vụ ô tô
  • Khách hàng có mức quan tâm và hiểu biết hơn về kiến thức ô tô
  • Khách hàng sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm phụ kiện, đồ chơi ô tô nhằm gia tăng tiện ích sử dụng xe. 

Do đó, nỗ lực phục vụ của các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, chăm sóc xe cũng cần thay đổi để phù hợp hơn với sự thay đổi từ phía khách hàng. 

Áp lực cạnh tranh thôi thúc “sự chuyển mình” nhanh chóng từ thị trường dịch vụ ô tô
Nếu bạn đang là chủ một cơ sở sửa chữa ô tô, bạn sẽ thấy rõ hơn rằng thị trường đang ngày càng đông đúc, và sự cạnh tranh trong ngành cũng ngày càng cao hơn. 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục thống kê Việt Nam, trong năm kinh tế khó khăn 2023, tuy thị trường chứng kiến con số kỷ lục các doanh nghiệp giải thể (kể từ năm 2017) là 172.500 doanh nghiệp (tăng 20.5% so với năm 2022), nhưng đối với ngành dịch vụ ô tô, chúng ta lại chứng kiến một xu hướng ngược lại - sự tăng trưởng đáng kể các doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực này so với năm 2022. Điều này thể hiện tâm lý tin tưởng của các nhà đầu tư vào sự bền vững và phát triển của ngành dịch vụ ô tô, tuy nhiên kéo theo theo là mức độ cạnh tranh cũng ngày càng khốc liệt.   

Dạo quanh thị trường, bạn cũng có thể thấy: ngay cả đến các đơn vị sửa chữa ủy quyền của Hãng cũng đã và đang ráo riết chuẩn bị và đối phó với tình trạng cạnh tranh khốc liệt này. Vốn dĩ được định vị là đơn vị cung cấp dịch vụ cao cấp với mức giá ở phân khúc trên nhưng hiện nay, các đơn vị này đang tung ra rất nhiều ưu đãi, khuyến mãi nhằm hạ giá thành dịch vụ, vừa giữ chân khách hàng hiện tại, vừa thu hút khách hàng mới.  

Minh chứng như:

Ưu đãi lớn từ Toyota - Chương trình Bảo dưỡng liền tay - vận may gõ cửa tặng 32 Điện thoại iPhone 15 Pro 128GB / 3.400 Coupon phụ tùng trị giá 500.000 Việt Nam khi Bảo dưỡng tại hệ thống Toyota Việt Nam với hóa đơn từ 500.000 Việt Nam đồng trở lên & có Cài đặt ứng dụng Toyota Vietnam. Hay Hyundai Thành Công cũng tung ra các gói khuyến mãi trực tiếp vào giá sản phẩm.

Nhiều ưu đãi hấp dẫn khi bảo dưỡng ô tô tại Honda Việt Nam

Tần suất khuyến mãi dày đặc của Hyundai Thành công cho các dịch vụ bảo dưỡng, thay thế phụ tùng

Cạnh tranh giá trong dịch vụ ô tô

Hình 3: Đa dạng ưu đãi và chính sách giá tốt để thu hút và giữ chân khách hàng từ OEM

Điều này chỉ ra rằng, thị trường đang vận động rất nhanh, cạnh tranh rất khốc liệt, các đơn vị ủy quyền hãng ngoài hướng đến dịch vụ lõi là chất lượng bảo dưỡng sửa chữa tốt, gia tăng chăm sóc và trải nghiệm khách hàng mà còn thêm cả tiêu chí Giá, vốn không phải là điều kiện cạnh tranh tiên quyết của Hãng vào vòng xoáy thu hút và giữ chân khách hàng. 

Bằng bàn tay vô hình của thị trường, tất cả những đơn vị cung cấp dịch vụ này trên thị trường bị kéo vào một cuộc chạy đua dù có muốn hay không. Vậy câu chuyện ở đây là chuyển mình hay thất bại? 

 

Thị trường chăm sóc xe cạnh tranh quyết liệt trên nhiều yếu tố, đặc biệt giá, trải nghiệm khách hàng

Hình 4: Sức ép lớn từ thị trường đông đúc - cuộc cạnh tranh giá và trải nghiệm khách hàng

Tồn tại cố hữu của ngành dịch vụ ô tô truyền thống liệu còn phù hợp
Quản lý dịch vụ theo cách truyền thống của các gara tư nhân hiện gặp nhiều hạn chế, đặc biệt trong việc duy trì chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động. Sự thiếu đồng bộ trong quy trình quản lý, từ việc tiếp nhận xe, kiểm tra, sửa chữa, đến giao xe cho khách hàng, dẫn đến sự chậm trễ và không hài lòng của khách hàng. Hơn nữa, việc thiếu dữ liệu chính xác và kịp thời về tình trạng xe và lịch sử bảo dưỡng làm giảm khả năng dự đoán và phòng ngừa các sự cố, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ.

Ngoài ra, thị trường dịch vụ sau bán cũng đang đối mặt với vấn đề lớn với các sản phẩm (đặc biệt là các sản phẩm phụ tùng) giả mạo, kém chất lượng. Điều này đã dẫn đến sự sụt giảm niềm tin của người tiêu dùng, đồng thời gia tăng tiêu chuẩn của khách hàng trong việc trao gửi niềm tin và đánh giá chất lượng sản phẩm. 

3. Chuyển đổi số - giải pháp thời đại của ngành dịch vụ ô tô ở Việt Nam
Những áp lực thay đổi từ đa dạng nhu cầu Khách hàng, từ Thị trường cạnh tranh gay gắt, từ Nội tại doanh nghiệp khiến câu chuyện đổi mới kinh doanh trong ngành dịch vụ ô tô tại Việt Nam mang tính thời đại hơn bao giờ hết. Nút thắt trong bối cảnh thị trường ngày này chính là vừa giữ vững và gia tăng doanh thu, trong khi vẫn đảm bảo đầu tư kinh doanh hiệu quả, cơ cấu chi phí hợp lý. 

Đặt kinh doanh trong thời đại số, sự phát triển vượt bậc của công nghệ có thể là đòn bẩy hữu hiệu cho đa dạng ngành nghề trong đó có ngành dịch vụ ô tô. Đã có nhiều bài học ở các quốc gia tiên tiến về sự ứng dụng của công nghệ và chuyển đổi số vào lĩnh vực này. Ví dụ như: việc kết nối các thiết bị và phương tiện qua mạng Internet giúp theo dõi tình trạng xe một cách liên tục và chính xác, từ đó tối ưu hóa quy trình bảo dưỡng và sửa chữa; ứng dụng AI giúp phân tích dữ liệu từ xe và người dùng, từ đó đưa ra các gợi ý bảo dưỡng kịp thời; hay việc tổng hợp và phân tích dữ liệu lớn (big data) giúp các doanh nghiệp đưa ra quyết định chính xác và hiệu quả hơn trong quản lý và cung cấp dịch vụ.

Đứng trước các thách thức cũng như cơ hội thời đại to lớn này, Ficar nhận thấy rằng: “Công cụ” nền tảng số sẽ tối ưu công cuộc chuyển mình của doanh nghiệp dịch vụ ô tô Việt Nam với một chi phí hợp lý nhất. Quy trình được tối ưu hóa, Khách hàng được giảm thiểu thời gian chờ đợi, hiệu suất làm việc được tăng cường và chi phí vận hành giảm. Không những thế, nền tảng số còn giúp thu hút khách hàng, đồng thời giữ chân khách hàng của bạn tốt hơn bằng cách gia tăng và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, như đặt lịch hẹn sửa chữa thông qua ứng dụng di động, theo dõi quá trình sửa chữa trực tuyến, và nhận được các thông báo bảo dưỡng định kỳ tự động với chi phí tối giản nhất. 

Như vậy, Chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng mà còn là một yếu tố sống còn đối với ngành dịch vụ ô tô. Việc nắm bắt và tận dụng các cơ hội từ chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp dịch vụ ô tô duy trì và phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Những doanh nghiệp nào nhanh chóng nắm bắt xu hướng và thực hiện chuyển đổi số hiệu quả sẽ có cơ hội vượt lên, dẫn đầu thị trường và xây dựng lòng tin vững chắc từ phía khách hàng.


 

Bài viết tương tự