Xe ô tô điện có thật sự thân thiện với môi trường? So sánh tín chỉ carbon giữa xe điện và xe xăng

Ngày đăng: 17-10-2024

Trong bối cảnh toàn cầu hướng đến phát triển bền vững, xe ô tô điện ngày càng được quan tâm như một giải pháp giảm thiểu khí thải CO2. Tuy nhiên, liệu xe ô tô điện có thật sự thân thiện với môi trường? Bài viết này sẽ phân tích và so sánh tín chỉ carbon giữa xe ô tô điện và xe xăng để đánh giá chính xác tác động môi trường của từng loại phương tiện, từ quá trình sản xuất, vận hành đến thải bỏ.

1. Tín chỉ carbon là gì?

Tín chỉ carbon là đơn vị đo lường lượng phát thải CO2 (và các khí nhà kính khác) mà một phương tiện có thể tiết kiệm hoặc giảm được trong suốt vòng đời. Việc tích lũy tín chỉ carbon giúp các doanh nghiệp và quốc gia đáp ứng tiêu chuẩn phát thải quốc tế và giảm thiểu chi phí liên quan đến việc mua bán tín chỉ. 

Như vậy, sự khác biệt giữa xe ô tô điện và xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch về khả năng tích lũy tín chỉ carbon không chỉ thể hiện lợi ích kinh tế mà còn ở mức độ giảm thiểu tác động đến môi trường, góp phần cho sự phát triển bền vững.

Hình 1: Tín chỉ carbon là đơn vị đo lường lượng phát thải CO2

2. So sánh tín chỉ carbon giữa xe ô điện và xe xăng

Nhờ vào công cụ đánh giá và so sánh phát thải trong suốt vòng đời của xe ô tô điện và xe xăng (EV Life cycle assessment calculator) được phát triển bởi Cơ quan năng lượng quốc tế IEA, chúng ta sẽ có cái nhìn trực quan nhất về lượng phát thải trung bình sinh ra đối với hai loại phương tiện này. 

Để minh họa rõ ràng hơn cho việc so sánh, chúng ta sẽ lấy ví dụ về hai loại phương tiện - xe ô tô điện và xe xăng trong cùng phân khúc xe tầm trung, với quãng đường di chuyển trung bình khoảng 100km mỗi ngày và thời gian sử dụng trong suốt 10 năm. 

Giai đoạn sản xuất 

  • Đối với xe xăng, quá trình sản xuất bao gồm việc sản xuất xe (car production) và quá trình sản xuất và cung cấp nhiên liệu cho phương tiện (energy production - well to tank). Theo công cụ đo lường, giai đoạn này phát thải khoảng 26 tấn CO2, gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường do lượng khí thải cao trong quá trình sản xuất và khai thác tài nguyên.
  • Tương tự, việc sản xuất xe ô tô điện - xe thuần điện BEV bao gồm sản xuất xe, pin và năng lượng cho phương tiện, với tổng phát thải khoảng 38,5 tấn CO2, cao hơn khoảng 1.4 lần so với quá trình sản xuất xe xăng. Tuy nhiên, phát thải trong giai đoạn sản xuất này đang dần giảm nhờ các công nghệ hiện đại. Dù phát thải sản xuất cao hơn so với xe xăng, lợi thế lớn của xe điện nằm ở giai đoạn vận hành.

Giai đoạn vận hành

  • Xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch phát thải trực tiếp lượng lớn khí CO2 từ quá trình đốt cháy xăng hoặc dầu. Theo dữ liệu từ công cụ đo phát thải của IEA, một chiếc xe xăng trung bình phát thải khoảng 58 tấn CO2 trong suốt vòng đời của nó. Với mức phát thải này, xe xăng không có khả năng tích lũy tín chỉ carbon trong giai đoạn sử dụng, mà ngược lại còn gây ra tác động tiêu cực lớn lên môi trường.
  • Trong khi đó Xe ô tô điện, ngược lại, không phát thải CO2 trực tiếp khi vận hành, đặc biệt, khi sử dụng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời hoặc gió. Điều này giúp xe điện không chỉ giảm thiểu phát thải mà còn tích lũy lượng lớn tín chỉ carbon, đóng góp tích cực vào bảo vệ môi trường.

Giai đoạn thải bỏ

  • Xe xăng: Quá trình xử lý xe xăng và các bộ phận sau khi hết vòng đời tiếp tục phát thải CO2, làm tăng thêm gánh nặng môi trường.
  • Xe ô tô điện: Mặc dù việc xử lý pin xe điện là một thách thức, tuy nhiên hoạt động tái chế đang được tích cực đầu tư. Quá trình tái chế pin nếu thực hiện tốt sẽ giảm lượng khí thải và giúp tích lũy thêm tín chỉ carbon, làm giảm tác động môi trường so với xe xăng.

Như vậy một chiếc xe xăng trung bình chạy 100 km mỗi ngày trong 10 năm sẽ phát thải khoảng 84,8 tấn CO2. Trong khi đó một chiếc xe ô tô điện sử dụng pin (BEV) với phạm vi di chuyển 300km sẽ phát thải 38,2 tấn CO2, ít hơn 55% so với xe sử dụng động cơ xăng

Hình 2: Ô tô điện hay ô tô xăng sẽ có nhiều tín chỉ carbon?

Tóm lại, xe ô tô điện không chỉ mang lại lợi ích về mặt chi phí vận hành mà còn vượt trội về khả năng tích lũy tín chỉ carbon so với xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Mặc dù xe điện có thể phát thải nhiều CO2 hơn trong quá trình sản xuất, nhưng nhờ vào lượng phát thải thấp hoặc không phát thải trong suốt quá trình sử dụng, xe ô tô điện góp phần tạo nên tương lai bền vững và giảm thiểu biến đổi khí hậu. 

Với những lợi thế rõ ràng này, xe ô tô điện đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và hỗ trợ các quốc gia, doanh nghiệp đạt được các mục tiêu về phát thải khí nhà kính thông qua thị trường tín chỉ carbon.

Bài viết tương tự